TRẦN ĐÌNH HOÀNH

on Buddhism

Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện Trầu Cau


Thời thượng cổ có một vị Quan Lang (1) sức vóc cao lớn, nhà vua ban tên là Cao cho nên lấy Cao làm họ. Cao sinh hạ được hai người con trai, con cả tên là Tân, con thứ tên là Lang (2). Hai anh em giống nhau như đúc, trông không thể phân biệt nổi. Đến năm 17, 18 tuổi, cha mẹ đều từ trần, hai anh em đến theo học đạo sĩ họ Lưu. Nhà họ Lưu có một người con gái tuổi cũng khoảng 17, 18, muốn kết làm vợ chồng. Nàng chưa biết người nào là anh, mới bày một chén cháo và một đôi đũa, cho hai anh em cùng ăn. Người em nhường anh ăn trước. Nàng về nói với cha mẹ xin làm vợ người anh, tình vợ chồng ngày càng nồng thắm.

Về sau, người anh có thể đối xử lạt lẽo với em, người em tự lấy làm tủi hổ, cho rằng anh lấy vợ rồi nên quên mình, bèn không cáo biệt mà bỏ đi. Đi tới giữa rừng, gặp một dòng suối sâu, không có thuyền để qua, đau đớn khóc lóc mà chết, hóa thành một cây cau mọc ở ven bờ. Người anh ở nhà không thấy, từ giã vợ đi tìm. Tới chỗ đó, thấy em đã chết, gieo mình chết, hóa thành phiến đá, nằm ôm quanh gốc cây. Người vợ thấy chồng đi lâu không về bèn đi tìm chồng, tới chỗ này thấy chồng đã chết, cũng gieo mình ôm lấy phiến đá mà chết, hóa thành một cây dây leo cuốn quanh phiến đá, lá có mùi thơm cay (tức là dây trầu). Cha mẹ nàng họ Lưu đau xót vô cùng, bèn lập miếu thờ. Người trong vùng đi ngang qua chỗ đó đều đốt hương cúng vái, ca tụng anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa.

Khoảng tháng bảy tháng tám, khí nóng chưa tan, Vua Hùng đi tuần thú, dừng chân nghỉ mát ở trước miếu, thấy cây lá xum xuê, giây leo chằng chịt, vua leo lên phiến đá xem xét, hỏi rồi mới biết có chuyện như vầy, than thở hồi lâu, truyền cho bầy tôi hái lấy lá trầu, vua nhai rồi nhổ bọt lên phiến đá, thấy có sắc đỏ, mùi vị thơm ngon bèn lấy mang về. Rồi cho lấy lửa nung đá làm thành vôi, lấy vôi ăn với trái cau và lá trầu, mùi vị thơm nồng, dòn, ngọt, má đỏ môi hồng, nên cho thiên hạ ai ai cũng trồng cau trầu khắp nơi, gặp việc cưới hỏi, tế lễ lớn nhỏ đều lấy trầu cau làm đầu. Đó chính là cây cau, cây trầu và vôi vậy.

Nguồn gốc cau trầu nước Nam ta là như thế đó.

Chú thích:

1) Đời Hùng Vương, con trai gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương
2) Tân Lang: chữ Hán 檳榔, hai chữ Tân Lang ghép lại chữ Hán có nghĩa là cây cau.

(Nguyễn Hữu Vinh dịch)
.

Bình:

• Tục nhai trầu và cau là tục lệ chung từ thời cổ đại tại nhiều quốc gia vùng Nam Châu Á Thái Bình Dương–Ấn Độ, Pakistan, vài tỉnh ở Trung Quốc, Thái Lan, Sri Lanka, Papua New Guinea, Bangladesh, Đài Loan, Miến Điện, Kampuchia, Solomon Islands, Lào, Maldives, Indonesia, Phi Luật Tân, và Việt Nam.

Tại các nơi này trầu cau thường là một phần của giao tế xã hội, có lẽ vì tích cách kích thích nhè nhẹ của nó, như là chúng ta uống rượu nhẹ ngày nay. Cau còn được dùng nhiều trong y học cổ truyền, như thuốc trừ đau răng và sán lãi.

Trong tiếng Anh, cau là areca nut (không phải là betel nut như nhiều người lầm tưởng), và lá trầu là betel leaf. Ăn trầu (nhai trầu cau) là “chewing areca nut and betel leaf”.

• Dù lý do giải thích (em thấy anh có vẻ thương chị dâu hơn mình nên bỏ đi) nghe gượng ép và không hợp lý mấy, bài này rất rõ là sự chấm dứt của tình trạng một người phụ nữ sống chung với 2 anh em dưới một mái nhà. Đây là một dấu hiệu khác của sự dẫy chết của chế độ mẫu hệ trong văn hóa chính thức của người Việt, nói đúng ra là người Kinh. Vì văn hóa mẫu hệ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay tại vài bộ tộc miền cao của nước ta.

Theo tục nối dây của người Êđê chẳng hạn, khi người chồng mất, người phụ nữ có quyền lấy một người khác trong gia đình chồng, như là anh hay em chồng, hay chú chồng, cháu chồng, v.v… để tiếp tục “nối dây” cho hai gia đình. Dĩ nhiên, đó không phải là đa phu, nhưng nó nói rằng liên hệ tình cảm giữa người phụ nữ và thân nhân bên nhà chồng là chuyện trong vòng lễ giáo một lúc nào đó, không phải là chuyện vô đạo đức đến mức sống chung trong một mái nhà cũng là chuyện không nên, như truyền thống Khổng giáo mà truyện này ám chỉ.

(Trong truyền thống đa thê của Trung quốc, đàn ông có thể lấy vài chị em một nhà, nhưng đàn bà chì có một chồng. Chồng chết thì ở vậy nuôi con. Tam tòng: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.)

• Lịch sử cổ đại của Việt Nam có nhiều điểm chính chỉ ra chế độ mẫu hệ:

Truyện Hồng Bàng là huyền thoại, dù là có vẻ phụ hệ bên ngoài, nhưng như đã phân tích, tính mẫu hệ rất nặng trong truyện.

— Kế đến là An Dương Vương, lại là huyền thoại, dù là đàn ông, nhưng nhân vật chính trong đó là phụ nữ, Mỵ Châu, nắm bí mật quốc gia. Chẳng thấy chàng hoàng tử nào của An Dương Vương có mặt.

— Hai vị vua đầu tiên trong lịch sử (không phải là huyền thoại) là Hai Bà Trưng.

— Người tên tuổi kế tiếp trong lịch sử, đến cả 400 năm sau, là Triệu Thị Trinh, tức Bà Triệu.

— Sách sử nói hai thứ sử của nhà Hán cai trị Việt Nam là Nhâm Diên (Giao Chỉ) và Tích Quang (Cửu Chân) phải dạy dân ta cưới hỏi và các lễ nghĩa khác. Dĩ nhiên không phải vì dân Việt không biết các lễ nghĩa này, nhưng có lẽ dân Việt dùng một lễ nghĩa khác—lễ nghĩa mẫu hệ thay vì lễ nghĩa phụ hệ của Khổng giáo từ Trung quốc.

• Các tên dùng trong truyện trầu cau rất thú vị:

1. Quan Lang họ Cao, rất gần âm Cau. Phải chăng cây cau có tên đó vì cao?

2. Theo Nguyễn Hữu Vinh, Tân Lang (tên hai cậu con trai), chữ Hán viết chung có nghĩa là “cây cau”.

Nhưng “tân lang” cũng có nghĩa là “người đàn ông mới”, đại diện cho văn hóa mới, phụ hệ, từ phương Bắc?

3. Tên của “hai” cậu (Tân và Lang) lại có nghĩa là “một” cây cau, hay “một” người đàn ông. Đây là nghĩa l‎ý chính trong tục “nối dây”: Tất cả các người đàn ông trong một gia đình là “một” sợi dây để nối vào vợ. (Hay ngược lại).

4. Họ của cô con gái là họ Lưu. Một trong những nghĩa thông dụng nhất của chữ “lưu” mà ta vẫn dùng cho đến ngày nay là “giữ lại, lưu lại”.

Vậy thì giữ lại gì? Thưa, giữ lại đạo nghĩa (cổ truyền), vì trong truyện bố cô gái là đạo sĩ họ Lưu.

5. Và họ nhà trai, là Quan Lang, tức là quyền lực chính trị.

Rất rõ đây là đụng chạm giữa hai nền văn hóa: Văn hóa mẫu hệ cũ tại bản xứ, và văn hóa mới của quyền lực chính trị từ phương Bắc sang.

Hậu quả là sống theo kiểu cũ không được, thì chết để cùng sống chung mỗi khi ai đó ăn trầu.

(Trần Đình Hoành bình)

Tháng Ba 21, 2010 - Posted by | Lĩnh Nam Chích Quái, Văn Hóa | ,

1 bình luận »

  1. Mời anh xem thử cách giải mả truyền thuyết. http://viennhu.vnweblogs.com/post/11641/475709.

    Bình luận bởi Trần Hoàng Đế | Tháng Tư 10, 2015


Bình luận về bài viết này