TRẦN ĐÌNH HOÀNH

on Buddhism

Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt

Vào năm Tân Tỵ, đời vua Lê Đại Hành, Thiên Phúc nguyên niên (1), Tống Thái Tổ sai hai tướng binh là bọn Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng (2) đem quân sang xâm lược phương Nam, đến sông Đại Than. Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ cự địch, hai bên đối đầu cầm cự. Đại Hành đêm đến mộng thấy hai thần nhân ở trên sông, đến vái mà nói rằng:

“Anh em thần, tên là Trương Hống và Trương Hát, xưa kia theo Triệu Việt Vương (3) cầm quân chinh phạt nghịch tặc mà lấy được thiên hạ. Sau, Lý Nam Đế (4) soán ngôi, nghe biết và triệu hai anh em thần về theo. Bọn thần vì nghĩa cũ không thể theo được, uống thuốc độc mà chết. Thượng đế thương anh em thần có công lại trung nghĩa một lòng, mới phong làm quan tướng trong hàng các thần linh, thống lĩnh âm binh. Nay thấy, quân Tống sang xâm chiếm, khổ hại sinh linh nước ta, cho nên hai anh em thần đến xin yết kiến, nguyện với nhà vua cùng đánh giặc này để cứu sinh linh”.

Vua giật mình tỉnh dậy, mừng rỡ mà bảo cận thần rằng: “Có thần nhân giúp ta rồi”. Bèn lập tức đốt hương ở trước thuyền ngự mà khấn rằng: “Nếu thần nhân có thể giúp ta làm nên công nghiệp này, thì bao phong chức tước, khói hương muôn đời”. Đoạn giết súc vật tế lễ, đốt cúng áo mũ, tiền giấy, voi ngựa. Đêm ấy, Đại Hành lại mộng thấy hai thần nhân mặc áo mũ vua ban đến bái tạ. Đêm sau, lại mộng thấy một người dẫn đoàn quỉ áo trắng, từ phía nam sông Bình Giang mà tới, một người dẫn đoàn quỉ áo đỏ từ phía bắc sông Như Nguyệt mà lại, cùng xông vào đánh trại giặc. Canh ba đêm hai mươi ba tháng mười, trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng tan vỡ. Thần nhân giấu mình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng (5):

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành phân định tại sách trời.
Nay sao lũ giặc sang xâm phạm,
Bây sẽ coi rồi chuốc tả tơi.

    (Nguyễn Hữu Vinh dịch)

Quân Tống nghe tiếng, xéo đạp vào nhau, tán loạn, ai nấy đều lo chạy thoát thân, bị bắt không biết bao nhiêu mà kể. Quân Tống đại bại mà về Bắc. Đại Hành trở về ăn mừng, phong thưởng cho hai vị thần nhân. Người em phong làm Uy Địch đại vương, lập miếu thờ ở tại ngã ba sông Long Nhãn, sai dân ở Long Nhãn và sông Bình Giang phụng thờ. Người anh được phong làm Khước Địch đại vương, lập miếu ở Như Nguyệt, sai dân ở hai bên bờ sông phụng thờ, nay vẫn còn.

Chú thích:

1. Vua Lê Đại Hành lên ngôi, lấy niên hiệu là Thiên Phúc

2. Năm 981, nhân khi vua Đinh Tiên Hoàng bị hại, vua mới còn nhỏ, trong nước Đại Cồ Việt có nội loạn (Nguyễn Bặc nổi dậy chống Lê Hoàn), nhà Tống đưa quân sang xâm lược. Lê Hoàn cầm cự, khích lệ tướng sĩ, uy hiếp tinh thần quân Tống. Bằng những trận đánh quyết định ở sông Bạch Đằng, Tây Kết, Ninh Giang, Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) chém được tướng Tống là Hầu Nhân Bảo, quân Tống thua to, chạy về nước.

3. Triệu Việt Vương: Tức Triệu Quang Phục, ở ngôi 23 năm [548-570]. Vua giữ đất hiểm, dùng kỳ binh để đánh giặc lớn, tiếc vì quá yêu con gái đến nỗi mắc họa vì con rể. Vua họ Triệu, tên húy là Quang Phục, là con Triệu Túc, người huyện Chu Diên, uy tráng dũng liệt, theo Nam Đế đi đánh dẹp có công, được trao chức Tả tướng quân. Nam Đế mất, bèn xưng vương, đóng đô ở Long Biên, sau dời sang Vũ Ninh. (Đại Vi ệt Sử Ký Toàn Thư bản Chính Hòa 1697)

4. Lý Nam Đế: Đây là Hậu Lý Nam Đế, tức Lý Phật Tử, ỏ ngôi 32 năm [571-602]. Vua dùng thuật gian trá để chiếm nước, mới thấy bóng giặc đã hàng trước, việc làm trước sau đều phi nghĩa. Vua họ Lý, tên húy là Phật Tử, là tướng của họ Tiền Lý Nam Đế (Lý Bôn), đuổi Triệu Việt Vương, nối vị hiệu của Nam Đế, đóng đô ở thành Ô Diên, sau dời đến Phong Châu. (Đại Vi ệt Sử Ký Toàn Thư bản Chính Hòa 1697).

5. Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái trong “Việt Nam Chích Quái Liệt Truyện”, Trần Khánh Hạo chủ biên, Học Sinh Thư Cục xuất bản, 1992, Taiwan, thì bài thơ được viết bằng chữ Hán như sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư.
Như kim nghịch tặc lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. (5)

南國山河南帝居
截然已定在天書
如今逆賊來侵犯
汝等行看取敗虛

(Non sông nước Nam thì vua nước Nam ở, Điều ấy đã định rõ trong sách trời. Tại sao hôm nay ngịch tặc sang xâm phạm, Bọn bây coi rồi sẽ chuốc lấy tan tành)

Tuy nhiên, còn có rất nhiều dị bản, được viết khác nhau trong nhiều tác phẩm như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Thiền Uyển Tập Anh, Việt Sử Tiêu Án, v.v. Chỉ riêng trong các truyền bản Lĩnh Nam Chích Quái cũng có các dị bản được biết như sau:

Bản A. 2914:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên phân định tại thiên thư
Như kim bắc lỗ lai công kích
Hội kiến hải trần tận tảo trừ

Bản A. 1473
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư.
Như hà nghịch tặc lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bản A. 33
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên phân định tại thiên thư.
Như hà Bắc lỗ lai xâm lược
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.

Bản A. 2107
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhĩ đẳng hành khan thủ bại hư. 爾等行看取敗虛

Sách Thiên Nam Vân Lục:
Nam quốc sơn hà Nam đế quân
Đinh ninh phân định tại thiên thư.
Vị hà nghịch lỗ lai xâm phạt,
Nhữ đẳng khô hài bất táng thu.

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bản Tokyo University, 1984:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư 南國山河南帝居
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư 截然已定在天書
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm 如今逆賊來侵犯
Nhĩ đẳng hành khan thủ bại hư 爾等行看取敗虛

(Nguyễn Hữu Vinh dịch)

Bình:

• Bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” thường được xem là của L‎ý Thường Kiệt, dùng trong trận Như Nguyệt, chống quân Tống năm 1077, nhưng truyện này lại nói là Lê Hoàn dùng trong trận đánh Tống năm 981, 96 năm trước đó. Câu hỏi là ai là tác giả của bài thơ? Vào lúc nào? Đây vẫn còn là một vấn đề trong vòng nghi vấn. Lĩnh Nam Chích Quái là sách thần thoại, nói truyện triết lý, nên không thể xem LNCQ như tài liệu lịch sử chính xác.

• Hai tên “Hống” và “Hát” của hai anh em tướng quân chỉ ra khá rõ ràng rằng truyện này là bài học về chiến tranh chính trị, hay còn gọi là chiến tranh tâm lý, hay tuyên vận, tức là các hình thức chiến đấu nhắm vào tâm lý và cân não.

Hống và Hát là biểu tượng cho hai hình thức tuyên truyền tâm lý—mạnh (Hống, sư tử hống là tiếng gầm của sư tử) và mềm (Hát).

• Chiến tranh tâm lý bắt đầu bằng “trung nghĩa”, biểu tượng bằng trung nghĩa của anh em Trương Hống và Trương Hát—thà chết chứ không phục vụ hôn quân.

Nói rộng ra là, chiến tranh tâm lý phải bắt đầu bằng “chính nghĩa”—lý do để vào một cuộc chiến phải hợp với đạo lý‎ trời đất và hợp lòng người.

Trong truyện này, quân Nam có chính nghĩa và quân Tống thì không. Tại sao?

Vì, xâm lăng nhà người là ăn cướp, không thể có chính nghĩa. Chiến đấu để bảo vệ nhà mình thì luôn luôn có chính nghĩa.

• Chính nghĩa đã có, chiến tranh tâm lý phát huy chính nghĩa đó bằng hai cách: Nhẹ như tiếng hát, mạnh như tiếng hống.

Làm cho nhân dân yêu quê hương đồng bào là nhẹ, làm cho nhân dân căm thù quân địch để hăng say chiến đấu là mạnh.

Làm cho quân địch hiểu được sai trái của họ là nhẹ, làm cho quân địch sợ hãi bởi uy lực và dũng khí của ta là mạnh.

• Quảng bá chính nghĩa bằng các bộ môn nghệ thuật trình diễn như hát, múa, thơ, văn, tuyên truyền… Bài thơ Nam quốc sơn hà nam đế cư là một ví dụ điển hình của chiến tranh tâm lý–dùng thơ và nhạc, lời lẽ vừa nhẹ nhàng đạo nghĩa vừa hùng manh dũng lược.

• Các nghệ thuật chiến tranh tâm lý không chỉ là tiếng hát hay thơ văn xướng lên, bay trên không khoảng vài giây rồi biến mất, mà chúng có sức mạnh đánh địch quân trực tiếp y như hai tướng cầm hai đoàn quân tấn công thẳng vào doanh trại địch quân.

Vì vậy ta cần xem chiến tranh tâm lý như một mảng chính của chiến lược.

(Trần Đình Hoành bình)

 

 

Tháng Năm 15, 2010 - Posted by | Lĩnh Nam Chích Quái, Văn Hóa | ,

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này