TRẦN ĐÌNH HOÀNH

on Buddhism

Yêu quá hóa cuồng

Chào các bạn,

Yêu quá hóa điên thì mọi người đều biết cả rồi – đọc báo thấy quý vị ghen tương tình ái rồi giết nhau là chuyện thường xuyên. Chẳng có gì mới lạ.

Đương nhiên là các bạn cũng đều biết là mình có yêu thì cũng cần có chừng mực, mọi sự vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát, không để cho ghen tương làm mình thành điên được. Cùng lắm là nhẹ nhàng nói goodbye.

Nhưng tình yêu nam nữ chỉ là một chuyện yêu. Có rất nhiều thứ để chúng ta yêu trong đời, và yêu nào cũng có thể làm cho chúng ta thành điên. Thiên hạ không biết rằng yêu bất kì thứ gì cũng có thể làm cho ta thành điên, chẳng chỉ là yêu một cô hay một cậu.

Yêu tiền, yêu địa vị, yêu danh tiếng, yêu quyền lực, yêu tự do, yêu công lý, yêu nhà thờ nhà chùa, yêu thi ca, yêu âm nhạc… Điều gì bạn yêu cũng có thể làm bạn điên nếu bạm bám cứng (chấp) vào nó dữ quá, gỡ không ra.

Ví dụ: Bạn mê đàn đến mức ôm đàn ngày đêm, chẳng làm gì cả. Bà xã phải lo mọi sự, lại còn nhức đầu vì tiếng đàn tửng từng tưng của bạn ngày đêm, bèn xin ly dị. Ông hàng xóm bực mình chịu không nổi cho nên phàn nàn thường xuyên, bạn gây lộn và lấy dao đâm ông ta mấy nhát. Đó là yêu âm nhạc mà hóa cuồng.

Thế cho nên nhà Phật nói rằng “ái” (yêu) là một mắt xích trong chuỗi Thập Nhị Nhân Duyên, 12 mắt xích – 12 bước đưa đến đau khổ và luân hồi.

Chữ “Ái” trong Thập Nhị Nhân Duyên thường được dịch sang tiếng Anh là “Desire”, nghĩa là ham muốn, thèm muốn, dù rằng “Ái” thường được hiểu là “Yêu” như tình ái, ái mộ, ân ái. Nghĩa là yêu với thèm muốn, ham muốn có nghĩa như nhau. (Xem Thập Nhị Nhân Duyên ở cuối bài).

Ái là một trong 12 lý do chính để chúng ta đau khổ. Yêu là khổ thì chắc là ai cũng rành – vợ chồng yêu nhau, nam nữ yêu nhau, bố mẹ yêu thương con cái. Nếu người mình yêu mất đi, mình đau khổ. Mình lo lắng cho người mình yêu quá đáng, dễ sinh ra gây lộn. Người mình yêu đi theo người khác, mình nhức nhối và điên cuồng. Yêu tiền quá, mất tiền thì khổ. Yêu danh tiếng mà bị nhục thì khổ. Yêu xe quá, mất xe thì đau khổ…

Yêu mà mất thì khổ – đó là “Ái biệt ly khổ.” (Xem “Khổ” ở cuối bài).

Cho nên, dù ta yêu thế nào thì cũng chỉ nên yêu có mức độ của nó, đừng để mình yêu quá hóa cuồng. Nàng đá giò lái, well, anh chẳng biết em có Karate, cầu chúc cuộc đời mới của em được nhiều hạnh phúc, và anh sẽ trở thành nhà thơ (thất tình) nổi tiếng nhất nước.

Mất tiền, well, tiền tới tiền đi, tôi đã làm ra tiền, làm ra tiền lại, có gì là khó.

Con mình khó dạy quá, khóc lóc than thở gì với nó cũng chẳng được, well, để nó tự học khôn với đời, việc gì mình phải quá lo, trước sau gì nó cũng phải học. Đời dạy nó hay gấp 10 lần mình dạy nó.

Các bạn, cái gì cũng vừa phải thôi. Yêu gì thì cũng yêu vừa phải, có chừng mực. Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Có mà là không, không mà là có, có tức là không, không tức là có.

Yêu là có mà cũng là không, là không mà cũng là có – cho nên, yêu mạnh mẽ và nồng nhiệt, nhưng cùng lúc cũng như là chưa yêu. Sống với có và không giúp cho bạn uyển chuyển và sáng suốt.

Chúc các bạn luôn biết yêu.

Mến,

Hoành

Chú thích:

1. Thập Nhị Nhân Duyên (Twelve nidānas, Twelve-linked chain of causation, or Twelve-linked chain of dependent origination).

Vô minh (avijjā, ignorance) sinh hành (saṅkhāra; volition formations).
Hành (saṅkhāra) sinh thức (viññāṇa, consciousness).
Thức (viññāṇa) sinh danh-sắc (nāmarūpa, name and form).
Danh-sắc (nāmarūpa) sinh lục nhập (salāyatana, six entrances).
Lục nhập (salāyatana) sinh xúc (phassa, contact).
Xúc (phassa) sinh thọ (vedanā, sensation).
Thọ (vedanā) sinh ái (taṇhā, desire).
Ái (taṇhā) sinh thủ (upādāna, grasping).
Thủ (upādāna) sinh hữu (bhava, existence/owning).
Hữu (bhava) sinh sanh (jāti, birth).
Sanh (jāti) sinh lão, tử (jarā-maraṇa, aging and death).

2. Khổ:

Sinh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; yêu mà mất là khổ; ghét mà gặp là khổ; muốn mà không được là khổ; Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức – tạo thành con người) mạnh xấu/vượt quá tự nhiên là khổ.

Sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn xí thạnh khổ.

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Tháng Bảy 5, 2023 - Posted by | Buddhism

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này