TRẦN ĐÌNH HOÀNH

on Buddhism

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Chào các bạn,

“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền – Nhìn cảnh, tâm Không, hỏi chi thiền”. Đây là câu kết của bài phú Cư Trần Lạc Đạo của Trúc Lâm Thiền tổ Trần Nhân Tông.

Mình dịch “vô tâm” là “tâm Không” và viết hoa chữ “Không”, thay vì dịch sát từ là “không tâm”, vì “không tâm” có thể bị hiểu nhầm rất thường, như người ta hay dùng hằng ngày: “Thằng đó vô tâm lắm”, có nghĩa là “chàng đó không có trái tim/đầu óc”, tức là “chàng đó chẳng quan tâm vào điều gì cả” hoặc “chàng đó rất gian ác lạnh lùng.”

Tâm Không là “tâm không bám víu” – tâm vẫn có nhiều điều đến và đi, nhưng tâm nhìn chúng đến và đi như nhìn mây qua trời, mà chẳng bám víu vào điều gì. Đó là tâm rỗng lặng – rỗng và lặng. Mây luôn đến và đi, nhưng trời luôn rỗng lặng.

Nhìn cảnh với tâm không bám víu, thì đó chính là thiền. Cho nên Trần Nhân Tông viết: Nhìn cảnh, tâm không bám víu, hỏi thiền làm gì.

Vấn đề chính là “tâm Không”. Ta có tâm Không hay chẳng có?

Nhưng còn một vấn đề nữa mà hầu như chẳng ai bình giải, vì có lẽ ai cũng thầm giả định là mọi người đều biết. Đó là “nhìn cảnh”.

Nhìn cảnh (đối cảnh, đối mặt với cảnh) là gì?

Chữ “cảnh” lập tức cho chúng ta thấy một điều gì đó trước mắt ta. Nhìn một cảnh đẹp như hoa lá, hoặc một cảnh ác như giết người. Đó là nhìn cảnh, đối cảnh. Nói chung là thấy điều gì trước mắt ta. “Thấy điều gì cũng có tâm không bám víu, hỏi thiền làm gì”. Đó là “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”

Nhưng hiểu chữ “cảnh” như những gì trước mắt thì còn thiếu sót nhiều lắm, vì còn rất nhiều điều hiện ra trong tâm trí ta, chẳng chỉ là những điều hiện ra cho “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,” tức là ngũ quan ta. Mọi thứ ngũ quan ta nhận được đều sẽ xuất hiện trong tâm trí ta. Thêm vào đó, rất nhiều thứ – nhiều cảm xúc, tư duy, câu chuyện, hình ảnh, âm thanh – hiện ra trong tâm trí ta mà không cần qua ngũ quan. Tất cả những thứ này – những điều vào tâm trí ta qua ngũ quan, cũng như những điều tâm trí tự tạo ra mà không qua ngũ quan – xuất hiện trong tâm trí ta, đó đều là “cảnh”.

Cách nhận biết qua ngũ quan, cộng với nhận biết chỉ qua tư tưởng, được gọi là “lục thức” (sáu thức: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).

Vậy, cho đầy đủ, chữ “cảnh” cần được hiểu là mọi thứ hiện ra trong tâm trí ta qua cả lục thức (sáu cách), chứ không phải chỉ là những thứ đi vào đầu ta qua ngũ quan (năm cửa).

Nói vắn tắt: Cảnh là mọi thứ đến với tâm trí ta, từ bên ngoài hoặc từ bên trong tâm trí.

Thế nghĩa là: “Cảnh” là MỌI THỨ đến với tâm trí ta” (không cần biết từ đâu đến – từ bên ngoài hay từ bên trong).

Hiểu “cảnh” như thế mới đầy đủ.

Và như vậy, “Nhìn mọi thứ đến với tâm trí, tâm Không, hỏi chi thiền”. Đó mới là đầy đủ nghĩa của câu kệ của Trúc Lâm Thiền tổ.

Những điều tự đến với tâm trí ta (không qua ngũ quan, mà chỉ qua ý thức) thì vô số kể: Một lời chửi của ông hàng xóm tháng trước, một lời bình phẩm của bạn hôm qua, một chuyện tình đau lòng đã lâu rồi, một ký ức về một điều ngu xuẩn mình đã làm lâu rồi, một bài báo ca ngợi mình tháng trước, một giải thưởng quốc tế danh giá mình đã đạt năm trước, một ước muốn cho sự nghiệp, một ý tưởng về nhũng lạm trong nước, một ý tưởng về tội ác trong nước…

Tâm trí ta luôn có đủ mọi thứ trên đời đến như thế. Khi chúng đến với tâm trí, thì hãy nhìn chúng – nhìn sơ qua hoặc nhìn chăm chú và quan sát kỹ lưỡng, đó là tùy ta và tùy chuyện. Ví dụ: Ý tưởng về tham nhũng đến. Nếu ta muốn tập trung vào “quán” vấn đề tham nhũng trong đầu ta, thì quán nó thật kỹ và phân tích ngọn ngành lý do vì sao tham nhũng xảy ra nhiều và làm sao để giảm tham nhũng, để hiểu được vấn đề một cách sâu sắc. Chỉ “quán” như một nhà khoa học đang làm việc, mà không bám víu, tức là không bức xúc, căng thẳng, tuyệt vọng. “Quán” xong thì để nó đi qua đầu, không bám víu vào nó để mà bức xúc dài dài.

Đó là “Nhìn cảnh, tâm Không, hòi chi thiền”.

Chúc các bạn luôn “đối cảnh vô tâm”.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Tháng Tám 13, 2022 - Posted by | Buddhism, Inspiration, Thiền, Thiền thi, Văn Hóa, Zen | , , , , , ,

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này