TRẦN ĐÌNH HOÀNH

on Buddhism

Đỉnh điểm tu tập

Chào các bạn,

Trong vấn đề luyện tâm, hầu như chúng ta thường nghe lấy tâm mình làm chủ. Mình làm chủ tâm mình và tâm mình làm chủ mình, mọi điều khác đều không quan trọng. Mọi điều khác có thể là giác ngộ, thành công, danh tiếng, thiên hạ yêu mình, thiên hạ nể phục mình, thiên hạ học mình… đều không quan trọng. Và điều này đưa đến một hệ luận quan trọng là các thầy chỉ lấy trái tim của mình làm đỉnh điểm tu tập mà không quan tâm đến mọi điều khác, hoặc mọi điều khác đều trở thành thứ yếu. Cho nên thiền sư Lâm Tế nói: “Phùng Phật sát Phật” (Gặp Phật giết Phật), có nghĩa là nếu bạn thấy Phật nào trước mặt bạn thì hãy phe lờ Phật đó và đừng chạy theo, hãy tập trung vào chính tâm Phật của bạn, thì đó mới là tu đúng đường.

Đương nhiên đây là đường tu dễ, nhưng mà cực khó. Vì nếu bạn tập trung vào tâm bạn, bạn cũng có thể rất dễ lạc vào tham sân si nếu bạn có tham sân si mà bạn chẳng biết – chẳng phải lúc nào chúng ta cũng biết hết mọi yếu kém của ta. Chính vì vậy mà người ta vẫn cứ phải “nương tựa vào Phật” (Nam mô bổn sư Thích ca Mâu Ni Phật, Nam mô Adiđà Phật, Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát…)

Tuy nhiên, có một điểm quan trọng mà hầu như thiên hạ dù có nhắc đến thì cũng rất ít khi nhấn mạnh đó là đỉnh điểm tu tập. Đó là “Yêu thương (từ bi) với tất cả chúng sinh (tất cả mọi người).” Phật,  Bồ tát… có một điểm chung là yêu thương tất cả mọi người, tất cả mọi loài, vô điều kiện, không phân biệt.

Có lẽ người ta thường nghĩ rằng yêu thương mọi chúng sinh, yêu thương mọi người, là con đường đi đến giác ngộ, và giác ngộ mới là đỉnh điểm. Mình thì thêm rằng nếu bạn giác ngộ bạn sẽ yêu thương tất cả mọi chúng sinh, tất cả mọi người. Nghĩa là yêu thương tất cả mọi chúng sinh (tất cả mọi người) có thể là con đường đi đến đỉnh điểm giác ngộ, nhưng ngược lại, giác ngộ cũng có thể là con đường đưa đến đỉnh điểm yêu thương tất cả mọi chúng sinh, tất cả mọi người. Tóm lại, Giác ngộ và yêu thương mọi loài (yêu thương mọi người) là hai mặt của một đồng xu, không xa cách nhau được.

Điều này rất quan trọng trong tư duy, vì giác ngộ là gì thì rất khó biết, nhưng bạn có yêu thương mọi loài và mọi người hay không thì rất dễ biết – bạn luôn hiểu trong lòng bạn có yêu ai hay không. Nếu chúng ta không lấy “yêu thương mọi loài, yêu thương mọi người” làm đỉnh điểm tu tập thì chúng ta rất dễ bị sa lầy vào hiện tượng mà mọi chúng ta thấy rất thường xuyên – đó là có các thầy, các sư, các guru… nói thì hay và luôn nghĩ là mình đã đạt thiền, nhưng thái độ với người khác thì rất côn đồ (và mình nói “côn đồ” rất chính xác, không phóng đại).

Cho nên các bạn, yêu mọi loài, yêu mọi người, vô điều kiện, không phân biệt, là đỉnh điểm của tu tâm. Nếu bạn không lấy điều này làm trọng, thì bạn đã lạc đường ngay từ đầu – khỏi tu mất công, để thời giờ đi chơi sướng hơn.

Chúc các bạn luôn yêu mọi loài, yêu mọi người.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Tháng Năm 11, 2022 - Posted by | Buddhism

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này