TRẦN ĐÌNH HOÀNH

on Buddhism

Người tỉnh thức sợ nhân, người si mê sợ quả

Chào các bạn,

Câu “Người tỉnh thức sợ nhân, người si mê sợ quả” là tiếng Việt thuần túy (tiếng Nôm/Nam) từ câu “Bồ tát sợ nhân, phàm phu sợ quả.”

Chúng ta đều biết luật nhân quả: Bạn gieo nhân thì sẽ gặt quả. Đánh người ta thì sẽ có lúc người ta đánh lại, giúp đỡ người ta thì sẽ có lúc được người giúp đỡ.

Người tỉnh thức sợ nhân nghĩa là người tỉnh thức sợ điều mình làm – không muốn làm điều xấu (vì sợ sẽ có hậu quả xấu). Không làm xấu thì không có quả xấu, làm tốt thì có quả tốt. Đó là sợ nhân – sợ tạo nguyên nhân xấu – và tránh không làm điều xấu: Không gian lận, không đánh người, không hại người, không ganh tị, không kiêu căng, không bám vào cái tôi…

Người si mê thì muốn làm gì cứ làm, chẳng sợ. Muốn ăn trộm thì ăn trộm, muốn đánh người thì đánh người, muốn lường gạt thì lường gạt. Thích làm gì cứ làm, chẳng sợ nhân.

Người si mê chỉ sợ quả, ăn trộm thì cứ ăn trộm, nhưng sợ bị công an bắt, vậy thì cứ phải tránh hoặc trốn công an. Muốn đánh người thì cứ đánh, xong rồi đi đâu cũng ngó trước ngó sau để tránh bị trả thù. Muốn tham ăn thì cứ ăn, xong rồi lo uống thuốc trị cholesterol.

Các bạn, sống như phàm phu là cũng có lo đấy, nhưng lo kiểu dốt. Liên hệ nhân quả không luôn rõ ràng và tức thì. Không phải bạn đánh một người thì người đó sẽ tìm bạn trả thù ngay tức thì. Có thể người đó có trái tim Bồ tát và chẳng thù hằn gì bạn. Nhưng có một người bạn của bạn ấy biết bạn đánh bạn ấy. Mười năm sau bạn xin việc IT vào trong một công ty, người bạn của bạn ấy, giờ là sếp lớn trong công ty, biết bạn đang xin việc, anh ấy nhất định không cho phép ai tuyền bạn vào. Anh ấy còn nói với các bạn của anh ấy, cũng là sếp lớn trong các công ty IT trong thành phố, “Đừng tuyển thằng côn đồ đó vào công ty anh mà mang họa.” Nhưng bạn không biết những điều này, chỉ biết là mình xin việc mãi không được.

Liên hệ nhân quả rất vi diệu, và liên hệ đủ kiểu, không phải luôn trực tiếp và tức thì để bạn có thể thấy được. Vì vậy nếu bạn thông minh thì đừng làm điều xấu. Làm điều xấu thì sinh ra “nghiệp xấu (bad karma)”. Nghiệp xấu sinh ra từ hành động xấu giống như một hạt trái cây, một lúc nào đó gặp đủ “duyên” nó mọc thành cây và cây đó có thể là bất kì loại cây nào, bạn chẳng thể biết, và cũng chẳng biết được khi nào thì karma sẽ nở ra cây xấu cho bạn để mà tránh.

Tốt hơn hết là làm điều tốt, để sinh ra nghiệp tốt (good karma), sẽ đưa đến điều tốt cho bạn sau này.

Tóm lại, chúng ta chỉ biết nhân ta làm, mà khó để biết quả chính xác là gì trong rất nhiều trường hợp. Nếu bạn sợ nhân thì bạn biết bạn tránh điều gì và làm điều gì. Nhưng nếu bạn chỉ sợ quả, thì bạn chẳng thể biết quả là gì để mà tránh, đó chỉ là sợ ma.

Cho nên, người tỉnh thức sợ nhân, người si mê sợ quả.

Chúc các bạn luôn tỉnh thức.

Mến,

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Tháng Bảy 5, 2023 - Posted by | Buddhism, Thiền, Zen | , , ,

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này