TRẦN ĐÌNH HOÀNH

on Buddhism

Sátna giác ngộ

Creative_Wallpaper___green_Buddha_085336_29

Chào các bạn,

Điều này mình nhắc các bạn rất thường xuyên. Sự khác biệt giữa si mê và giác ngộ là “tôi”.

Nếu chúng ta sống chỉ với mục đích phục vụ tôi – của tôi, vì tôi, do tôi, phục vụ tôi, thì ta si mê. Nếu ta sống vì mọi người – của mọi người, vì mọi người, do mọi người, phục vụ mọi người, thì ta giác ngộ. Mọi hành động của ta đều chẳng có ý nghĩa gì tự chính chúng. Ý nghĩa của mỗi hành động nằm trong mục đích ta đã định cho hành động đó.

Bạn không thể nói bố thí cho người nghèo là một hành động thiện lành nếu trong lòng bạn bố thí để bạn có tên trên báo. Bạn cũng không nói đánh nhau là ác, khi thấy anh cướp đang cướp tiền của một cụ già trước mặt bạn và bạn thong thả bỏ đi. Mục đích ta có trong lòng ta ấn định tính thiện hay ác trong hành động của ta.

Và mình nói “mục đích trong lòng ta”, không phải là mục đích ta nói với phóng viên hay nói trên sân khấu.

Thế nghĩa là sao?

Nghĩa là, nếu bạn làm mọi thứ với mục đích trong lòng bạn là phục vụ bạn hay sự nghiệp của bạn, đó là “chấp ngã” và là si mê. Nếu bạn làm mọi thứ với mục đích trong lòng bạn là phục vụ mọi người, đó là “vô ngã” và là giác ngộ – đó chính là Bồ tát độ mình để độ mọi chúng sinh.

Si mê và giác ngộ là vấn đề mục đích thái độ trong lòng bạn. Không phải là “làm gì?” mà là “làm để phục vụ ai?”

Và đương nhiên là bạn có thể thay đổi mục đich và thái độ trong lòng bạn trong chỉ một sátna. Lúc này bạn đang tập trung vào phục vụ chính bạn, đó là si mê. Một sátna sau đó, bạn chuyển ý và tập trung vào phục vụ mọi người, đó là giác ngộ. Và đó là giác ngộ chỉ trong một sátna.

Sátna giác ngộ.

Đừng nghĩ rằng chúng ta cần vô lượng kiếp để giác ngộ. Nếu quyết tâm giác ngộ chúng ta có thể giác ngộ trong một sátna.

Chúc mọi chúng ta đều giác ngộ.

Mến,

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Tháng Hai 7, 2023 - Posted by | Buddhism, Thiền, Zen | , , ,

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này