TRẦN ĐÌNH HOÀNH

on Buddhism

Công thức và đỉnh điểm tâm linh

Chào các bạn,

Vấn đề khó nhất cho học trò là học gì thì cũng phải học công thức trước – từ giản dị đến các công thức khó hơn từ từ. Nhưng trong tất cả mọi loại nghệ thuật, nhất là nghệ thuật sống, thì công thức chỉ có thể học rồi bỏ thì ta mới đạt được đỉnh điểm.

Tất cả mọi loại nghệ thuật đều như thế. Công thức là chỉ cho học trò, đến lúc thành thầy bạn phải có rất nhiều sáng tạo – từ nấu ăn, đến hội họa, đến âm nhạc, đến võ thuật… Nghệ thuật sẽ không là nghệ thuật nữa nếu con người chỉ biết làm theo công thức như robot và hoàn toàn không có sáng tạo.

Đời sống tâm linh cho trái tim linh thiêng của bạn thì lại còn đòi hỏi mức độ nghệ thuật cao hơn các loại nghệ thuật khác rất nhiều. Bạn không thể dính cứng vào các công thức của bất kì pháp môn nào bạn học được mà hòng có thể đi đến đỉnh điểm. Tất cả mọi thứ pháp môn – ăn chay, niệm phật, tụng kinh, tham khảo kinh sách, ngồi thiền… đều chỉ là công thức. Và thiên hạ rất thích ôm cứng vào công thức – đó chính là “chấp” – vì công thức thì rất dễ, chỉ làm một lúc là quen và cứ lập lại như thế, và nó cho người ta cảm giác là người ta đã thuần thục, đã “đạt”. Chẳng đạt gì cả, các bạn. Công thức thì chỉ như là vẹt học nói, chẳng có gì để đạt. Bám vào công thức chính là “chấp”, mà Phật pháp là “vô chấp”.

Lấy trái tim của mình làm chính – trái tim tinh khiết, không bám vào đâu, và từ bi, đó mới là điều chính. Tanzan bồng kỹ nữ qua đường – phe lờ “nam nữ thọ thọ bất thân”, uống rượu mỗi ngày, và ban ngày thích ngủ lúc nào thì ngủ. Mọi thứ này đều được xem như phạm luật – phạm công thức thì đúng hơn. Nhưng Tanzan là một thiền sư lớn, dạy triết học trong Đại học Hoàng gia Nhật.

Công thức là chỉ để cho học trò học quen lề lối. Dùng công thức để đến gần được với trái tim mình hơn, tới trái tim rồi thì không cần công thức, như người đã qua được sông thì không còn cần bè.

Đỉnh điểm là trái tim không bám víu vào điều gì, và chỉ đầy vô lượng từ bi cho mọi chúng sinh. Thực sư là nếu trái tim bạn không chấp vào đâu, bạn tự nhiên đầy vô lượng từ bi với mọi chúng sinh, vì từ bi đã có trong gene của mọi sinh vật bầy đàn. Từ bi có thể bị tham sân si che mất, nhưng từ bi, trái tim Phật của bạn, luôn có đó trong bạn.

Cho nên, người học pháp môn gì cũng cần biết mình đang đi về đâu, đỉnh điểm mình nhắm tới là gì, để trái tim minh biết đường mà làm việc. Các pháp môn đủ kiểu chẳng thể đưa bạn đi đâu cả nếu trái tim bạn không hướng về đỉnh điểm bạn muốn.

Đỉnh điêm tu tập là “Phật tâm” – trở về với trái tim Phật của bạn. Trái tim Phật có hai điều chính: không bám vào bất kì điều gì, và luôn đầy yêu thương cho mọi sinh linh.

Luc tổ Huệ Năng, không biết đọc và không biết viết, nghe hàng xóm đọc Kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” (không bám/trụ vào đâu thì sinh tâm [bồ đề] đó), thì Huệ Năng tức thì giác ngộ. Đương nhiên là vì Huệ Năng đã hiểu sâu sắc ý nghĩa “không bám vào đâu” là gì trong cách sống hằng ngày của chính Huệ Năng. Huệ Năng có lẽ cũng chẳng biết pháp môn náo cho nên chẳng có công thức nào để mà bám.

Bồ đề Đạt Ma nói: “Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành phật” nghĩa là sao? Nghĩa là tâm thật (chân tâm) của mình đã là tâm Phật. Chỉ thẳng vào đó, đi thẳng vào đó (trực chỉ) thì mình thấy được bản tính thật của mình (kiến tánh – và tánh của mình là Phật tánh), thì mình thành Phật, tức là sống lại được với trái tim Phật nguyên thủy của mình.

Vấn đề là đa số mọi học trò khi đã được cho một số công thức thì cứ bám vào đó như em bé ôm cứng bình sửa bú. Chẳng thể trưởng thành được trong đời sống tâm linh nếu bạn sống như robot.

Nắm vững mục tiêu cuối cùng: Trái tim không vướng mắc (không chấp vào đâu) và vô lượng từ bi.

Chúc các bạn luôn hướng lòng về đỉnh điểm.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Tháng Tám 31, 2022 - Posted by | Buddhism, Inspiration, Thiền | , , , ,

1 bình luận »

  1. 🙏🙏🙏

    Bình luận bởi Thuỳ Trang | Tháng Sáu 14, 2023


Bình luận về bài viết này