TRẦN ĐÌNH HOÀNH

on Buddhism

Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện Nam Chiếu

Người Nam Chiếu chính là con cháu vua Vũ Đế Triệu Đà.

Thời Hán Vũ Đế, Thừa tướng của Triệu Đà là Lữ Gia không thần phục nhà Hán, giết sứ Hán là bọn An Quốc và Thiếu Quý. Hán Vũ Đế sai Lộ Bác Đức và Dương Phác đem quân chinh phạt, bắt được Vệ Dương Vương Kiến Đức và Lữ Gia, thôn tính cả nước (1), phân đất đặt quan cai trị.

Triệu Đà


Họ Triệu mất nước, con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau hội họp nhau ở Thần Phù, Hoành Sơn là những xứ vắng vẻ không có người. Họ bèn đóng tàu thuyền, đột nhập vào nội địa cướp người ven biển, giết các quan lệnh của nhà Hán, xưng là Nam Triệu, sau gọi sai là Nam Chiếu

Đến đời Tam Quốc, Tôn Quyền nhà Ngô sai Đái Lương, Lữ Đại (2) làm Thái Thú để đánh dẹp. Quân Nam Chiếu ở cả một vùng từ núi Thiên Cầm tới các vùng Hà Hoa, Cao Hoàng, Hoành Sơn, Ô Đặc, Hải Ngạn, Sử Bộ, Trường Sa, Quế Đổ, Vọng Án và Lỗi Lôi, núi cao bể rộng, sóng gió hiểm trở, không có một vết chân người. Quân Nam Chiếu ở đấy, khi số người đã nhiều, thường lấy châu bảo, ngọc ngà đút lót cho nước Tây Bà Dạ cầu làm thân thuộc, để cúu giúp lẫn nhau.

Cuối đời Tấn thiên hạ rối loạn, có người thổ tù là Triệu Ông Lý cũng là con cháu của Triệu Vũ Đế, anh em đông đúc, thảy đều dũng lược hơn người, ai nấy đều nể phục, cùng hợp lại với quân Nam Chiếu, được hơn hai vạn người, lại đem châu báu ngà ngọc hiến cho nước Tây Bà Dạ, xin chỗ sinh sống ở vùng đất trống ven bờ biển. Khi ấy, nước Tây Bà Dạ chia đều đất ra thành hai lộ. Một lộ trên từ Quý Châu, dưới tới Diễn Châu gọi là lộ Như Hoàn. Trên từ Cầm Châu xuống tới Hoan Châu gọi là lộ Lâm An và giao cho nước Nam Chiếu, cho Triệu Ông Lý thống trị. Sau đó, ông Lý xây thành ở tổng Cao Xá, đất Diễn Châu, đông giáp với biển, tây tới nước Bà Dạ, nam tới Hoành Sơn, tự xưng làm chúa.

Nhà Đông Tấn sai tướng là Tào Khả đem quân sang đánh, Ông Lý mai phục ở rừng núi hiểm trở nơi đầu nguồn sông mà đánh, rồi lại tới nấp ở núi Liên Vị, địch tới thì mình đi, địch đi thì mình tới, sáng ra tối vào, cầm cự trong 4, 5 năm trời, không hề đối đầu. Quân Tấn không chịu nổi lam chướng, chết hơn quá nửa, bèn rút quân về.

Quân Nam Chiếu tới cướp Trường An và các vùng lân cận, quan lệnh không thể dẹp nổi. Tới khi nhà Đường thịnh lên, vua Ý Tông sai Cao Biền (3) đem quân sang dẹp, không đánh nổi phải bỏ về. Tới đời Ngũ Đại (4), Thạch Kính Đường sai tướng Tư Mã là Lý Tiến (5) đem 30 vạn quân đánh vào Đồ Sơn, quân Nam Chiếu bèn rút về biên giới Ai Lao, gọi là nước Đầu Mô, nay là đất Bồn Mang (6).

Chú thích:

1) Bản A 2914 thì “thôn tính cả nước” chép thành “Nước Nam Việt liền mất”.

Tượng Triệu Đà ở Chính Định, Thạch Gia Trang, Hà Bắc, Trung Quốc


2) Việt Sử Lược chép rằng: “Tôn Quyền nghe Sĩ Nhiếp mất, chia đất từ Hợp Phố về Bắc thuộc Quảng Châu, cho Lữ Đại làm Thứ sử; từ Hợp Phố về Nam là Giao Châu, sai Đái Lương làm Thứ Sử. Cho Trần Thì làm Thái thú thay Nhiếp. Bọn con của Nhiếp là Huy đem binh chống cự với Lương. Sau, Lữ Đại dùng kế giết chết Huy, lấy đầu đem về Vũ Xương. (Nguyễn Hữu Vinh dịch)

3) Việt Sử Lược chép rằng: Đường Ý Tông cho gọi các đạo binh về, bãi bỏ An Nam Đô Hộ Phủ, đặt Hành Giao Châu ở trấn Hải Môn, sai Tống Nhung làm Thứ sử Giao Châu. Tháng 7, đặt lại Đô Hộ Phủ. Năm thứ 5 niên hiệu Hàm Thông (864), nhà Ðường cho quan Dung Quản Kinh Lược Sứ là Trương Nhân kiêm luôn việc quân ở An Nam. Nhân không chịu đi nhậm chức, Hạ Hầu tiến cử Cao Biền đến thay Nhân. Biền tự Thiên Lý, cháu của Sùng Văn, suốt đời binh nghiệp, thích đọc sách, ưa đàm luận cổ kim. Lúc nhỏ theo giúp Châu Thúc Minh. Một hôm, có hai chim diều hâu đang bay, Cao Biền giương cung mà nói rằng: “Nếu tôi được phú quý thì bắn trúng vậy”. Rồi bắn một phát xuyên cả hai chim. Dân chúng đều sợ, gọi Cao Biền là “Lạc Điêu Thị Ngự”. Sau vì có công, được thăng làm Phòng Ngự Sứ ở Tần Châu. Bấy giờ, Giao Châu đã lọt vào tay Nam Chiếu. Năm thứ 5 niên hiệu Hàm Thông (864), làm Kiêu Vệ Tướng Quân, lãnh chức An Nam Đô Hộ Phủ Kinh Lược Chiêu Thảo Sứ, và được giao phó hết binh quyền của Trương Nhân. Tháng 9, Biền đến nam Phong Châu. Dân man đông đến 5 vạn người đang gặt lúa, Biền đánh úp một trận, phá tan tành, bèn tiến sang đánh quân Nam Chiếu, lại dẹp được quân Nam Chiếu, giết tướng Nam Chiếu là Đoàn Tù Thiên và chém hơn 3 vạn đầu quân thổ man. Nhà Đường bèn bãi bỏ Đô Hộ Phủ, đặt Tĩnh Hải Quân, và cho Biền làm Tiết Độ Sứ. Biền chiếm giữ Giao châu xưng vương. Từ lúc người man nổi lên đến lúc ấy đúng mười năm mới được yên ổn. Biền tu sửa La Thành, chu vi dài 1980 trượng 5 thước, cao 2 trượng 6 thước, chân thành rộng 2 trượng 6 thước. Bốn thành có đắp tường ngăn cao 5 thước 5 tấc, xây 55 gian lầu địch, 5 môn lâu, 6 cửa vòng cung hình tò vò, 3 ngòi nước, đắp 34 con đường đi. Lại đắp đê chu vi dài 2125 trượng 8 thước, cao 1 trượng 5 thước, chân đê rộng 3 trượng, xây cất nhà cửa hơn 5000 căn. Cao Biền thấy đường biển từ Giao Châu ta đến Ung, Quảng có nhiều đá ngầm, thường làm đắm chìm thuyền bè, cản trở việc vận tải lương thực bèn sai quan Trưởng Sử là bọn Lâm Phúng đào thông con đường ấy. Mùa hè, ngày mồng năm tháng tư, bắt đầu công việc. Ðược hơn một tháng, sắp xong, chỉ còn một đoạn ở giữa thì gặp những tảng đá lớn dài mấy trượng, cứng như sắt, chém dao xuống thì cong lưỡi, đập búa vào thì búa gãy cán. Những phu dịch nhìn nhau đành chịu dễ chừng muốn bỏ dở công việc. Ngày 26 tháng 5, mây đen đùn lên, gió lớn dữ dội giữa ban ngày, sấm dậy ầm ầm, sét đánh liên tiếp, chợt trời quang mây tạnh, những tảng đá lớn đã thấy vỡ tan cả, chỉ còn hai chỗ nữa mà thôi. Ðến ngày 21 tháng 6, sấm sét lại nổi lên như trước và các tảng đá lớn trong chốc lát cũng đều bị vỡ tan. Công việc hoàn thành. Do vậy, mới gọi chỗ ấy là kênh Thiên Uy. Năm thứ 9 (868), Ý Tông cho Biền làm Hữu Kim Ngô Đại Tướng Quân, phong thêm chức Kiểm Hiệu Thượng Thư Hữu Bộc Xạ, cho sang làm Tiết độ Sứ ở Thiên Bình, rồi mất. (Nguyễn Hữu Vinh dịch)

4) Ngũ đại: Khoảng thời gian loạn lạc trong lịch sử Trung Quốc từ năm 907 đến 979 sau Công Nguyên, gồm có 5 triều đại và 10 nước. Trong đó có nước Nam Hán đem quân xâm chiếm nước ta, bị Ngô Quyền đánh tan ở sông Bạch Đằng vào năm 938.

5) Việt Sử Lược chép: Năm thứ nhất niên hiệu Trường Hưng (930) đời Minh Tông nhà Hậu Đường, chúa Nam Hán là Lưu Yểm (cũng gọi là Lưu Nghiễm, Lưu Cung) sai tướng Lương Khắc Chân sang đánh Giao Châu ta, bắt Tiết Độ Sứ Khúc Toàn Mỹ, cho tướng là Nguyễn Tiến (Lý Tiến) lên thay. Trong khoảng niên hiệu Trường Hưng (930- 933) đời Ðường Minh Tông, Đình Nghệ đem quân đánh Nguyễn Tiến. Tiến chạy về Hán. (Nguyễn Hữu Vinh dịch)

6) Bản VHV 1473 và Bản A 2914 thì “nay là đất Bồn Mang” viết thành “thường hay làm việc cướp bóc, lúc đánh lúc nghỉ, chưa hề ngừng, cho đến hôm nay cũng vậy”.

(Nguyễn Hữu Vinh dịch)

Bình:

• Theo truyện này, nước “Nam Chiếu” cua con cháu Triệu Đà nằm khoảng ngày nay là Nghệ An đến Đèo Ngang (Hoành Sơn). Vậy thì khác với nước Nam Chiếu (Nan Chao) ở vùng mà ngày nay là Vân Nam, Trung quốc, là tiền thân của nước Đại Lý của nhà họ Đoàn nổi tiếng với nhiều vị vua đi tu (mà tiêu thuyết gia Kim Dung đã tiểu thuyết hóa như là truyền nhân của Nhất Dương Chỉ), và ngày nay là một danh thắng du lịch.

Vào khoảng năm 738, đời Đường Huyền Tông ở Trung quốc, 6 “chiếu” của người Bạch và Di ở Vân Nam thống nhất thành nước Nam Chiếu. Vì nhà Đường suy yếu, nước Nam Chiếu phát triển và bành trướng rất nhanh, đầu tiên là vào Miến Điện, sau đó là toàn bộ Vân Nam ngày nay, xuống phía bắc Lào và Thái Lan, và sau đó về phía bắc tới Tứ Xuyên (Trung quốc). Đây là nước Nam Chiếu tấn công Giao Châu (Việt nam) từ 858 đến 866.

Theo sách sử Việt, chú thích số 3 bên trên, quân Nam Chiếu hợp với quân thổ man tiến chiếm Giao Châu. Vậy nước “Nam Chiếu” trong truyện này–con cháu của Triệu Đà ở vùng Nghệ An Hoành Sơn–có lẽ là một trong những nhóm “quân thổ man” trong truyện thì có lý hơn.

• Nếu truyện này mà có một phần sự thật thì truyện này giải thích việc bành trướng đất Giao Châu (Việt Nam cổ) từ vùng Nghệ An ra đến Đèo Ngang (phía bên kia Đèo Ngang là đất của Chiêm Thành).

• Triệu Đà là tướng của Tần Thủy Hoàng, xâm chiếm Âu Lạc và, theo huyền sử, dùng con trai là Trọng Thủy kết hôn với công chúa Mỵ Châu, con của An Dương Vương, để làm gián điệp. Nhờ đó Triệu Đà chiếm được Âu Lạc và xưng đế gọi là Triệu Vũ Đế.

Lẽ ra phải xem gia tộc nhà Triệu là của Trung quốc, và thời kỳ Triệu Đà là thời Bắc thuộc, thì sách sử Việt có khuynh hướng xem Triệu Đà là vua của Việt Nam, vì lý‎ do nhà Triệu khá độc lập với nhà Hán ở Trung quốc, và cuối cùng Lữ Gia, tể tướng qua 3 đời vua Triệu, công khai chống lại nhà Hán. Hán Vũ Đế phải sai đại quân sang đánh và thắng Lữ Gia.

Có lẽ đây là tâm lý Việt: “Ông chống kẻ thù của tôi thì ông là người nhà tôi.”

• Và có lẽ vì thế mà Lĩnh Nam Chích Quái lại có truyện về nước “Nam Chiếu”, vì theo truyện này “Người Nam Chiếu là con cháu của vua Vũ Đế Triệu Đà”. Nghĩa là, lịch sử “Nam Chiếu” là một phần lịch sử của Việt Nam, theo tâm lý nói trên.

• Hơn nữa, theo truyện này, nó là phần lịch sử bất khuất không chịu tùng phục Trung quốc bao giờ, từ khoảng năm 208 TCN, lúc Triệu Đà chiếm Âu Lạc cho đến đời ngũ đại (907-979 SCN), tức là khoảng 1200 năm.

• Dù sao đi nữa, thì khoảng huyền sử/lịch sử này diễn tả hai điểm rất rõ:

1. Mối quan hệ tình cảm bị trị/cai trị giữa Giao Châu và Trung quốc, từ thời xa xưa đó đến nay.

2. Trong mối quan hệ bị trị/cai trị đó, ông chống Trung quốc thì ông là người nhà của tôi. Xem ra tâm lý này vẫn còn rất sinh động ngày nay!

• Câu hỏi: Sách sử chúng ta có nên làm rõ ra là Triệu Đà là người Trung quốc đô hộ Việt Nam, không phải là vua Việt, và thời nhà Triệu là thời Bắc thuộc?

(Trần Đình Hoành bình)

Tháng Sáu 10, 2010 - Posted by | Lĩnh Nam Chích Quái, Văn Hóa | ,

2 bình luận »

  1. ANH HOANG BINH O GOI NUO/C NAM VIET THI SAO LAI BAC THUOC DUOC ; ANH HAY XEM TRONG LANG TRIEU DAT TOAN LA PHONG CACH VIET- NAY KINH

    Bình luận bởi Đồng bào ƠI dậy mà đi | Tháng Bảy 20, 2010

  2. Cám ơn bạn “Đồng bào…”

    Vào thời Chiến Quốc ở Trung Hoa, các chư hầu đều gọi là vương (vua) nhưng trên nguyên tắc vẫn dưới nhà Châu (vẫn là thuộc “nước Trung quốc” theo kiểu ta hiểu ngày nay). Chiến quốc có 7 “nước” lớn xưng vương–Chiến Quốc thất hùng, gồm có Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Nguỵ và Tần. Sau đó nhà Tần (Tần Thủy Hoàng) thống nhất thiên hạ. Triệu Đà là tướng của Tần Thủy Hoàng, nếu có xưng vương, thì cũng là vương trong truyền thống một “nước” của Trung quốc., tranh giành quyền lực với các “nước” khác của Trung quốc. Không hẳn là nước độc lập nước ta nghĩ ngày nay.

    Còn tên Nam Việt thì chẳng có gì đặc sắc cả. Ngườn Hán gọi người ở phía nam sống Dương Tử là Việt, ngày nay họ cũng gọi là Việt (dân của các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam….). Nam là ở phía Nam sông Dương Tử. Chẳng chứng minh được gì cho Triệu Đà cả.

    Mến, 🙂

    Bình luận bởi tdhoanh | Tháng Bảy 20, 2010


Bình luận về bài viết này