TRẦN ĐÌNH HOÀNH

on Buddhism

Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện Sĩ Nhiếp

Văn Miếu Tiên Nho thờ Sĩ Nhiếp, Bắc Ninh

Theo sách “Tam Quốc Chí” thì Nhiếp (1) họ Sĩ ,tên Nhiếp, người Quảng Tín, huyện Thương Ngô (Trung Quốc); tổ tiên là người Vấn Dương, nước Lỗ, tránh loạn Vương Mãng đến cư ngụ ở đất ấy, thời Hán Hoàn Đế làm thái thú Nhật Nam. Nhiếp thuở nhỏ du học ở kinh đô nhà Hán, chú giải sách Tả Thị Xuân Thu, thi đậu khoa Hiếu Liêm, bổ làm Thượng Thư Lang, vì việc công bị miễn chức. Sau lại đỗ Mậu Tài, được giữ chức quan Lệnh Vu Dương. Hiến đế lại sai làm Thái thú Giao Châu. Lúc ấy nhằm lúc cuối đời Hán thời loạn Tam quốc, Sĩ Nhiếp đang cai trị thành Thanh (nay là thành Long Biên). Hiến Đế nghe tin ,ban cho ông bảy bộ sách ,vẫn giữ chức Thái thú Giao Châu như cũ. Nhiếp liền sai Trương Mân đi sứ,đến kinh đô nhà Hán sửa lễ tiến cống. Hiến Đế xuống chiếu triệu về, cho ông làm An Viễn tướng quân, phong tước Hầu Long Độ Đình. Sau, Tôn Quyền nhà Ngô phong Nhiếp làm Tả Tướng Quân, và phong cho hai con trai làm Lang Trung. Nhiếp đem dâng lên Tôn Quyền các vật quý giá ở địa phương thường được Quyền khen ngợi, nên cho người em của Nhiếp tên Nhất làm Thái thú châu Hợp Phố, cho người em tên Vị làm Thái thú quận Cửu Chân (nay huyện Kỳ Phong) và người em tên Vũ làm Thái thú quận Nam Hải (Nay là Liêm Châu).

Nhiếp là người khoan hòa, độ lượng, khiêm tốn với mọi người; nhân sĩ lánh nạn nhà Hán nhiều người theo về với Nhiếp. Dân ta đều gọi Nhiếp là Vương. Đời Hán có Viên Huy và Thượng Thư Tuân Úc viết sách, tóm lược như sau: “Sĩ Nhiếp ở Giao Châu, học vấn uyên thâm, làm quan đức độ, giữa thời loạn mà giữ yên được cả 1 phương trời hơn 30 năm, bờ cõi yên ổn, dân không cầu cạnh gì. Dù cho quan trấn thú Hà Tây là Đậu Dung cũng không hơn được. Lại còn em trai của Nhiếp có tước Hầu, trị dân cả một phương trời. Lúc Nhiếp đi lại, nghi lễ đầy đủ cả, huyên náo rầm rộ. Bấy giờ, sự sang trọng và oai danh của Nhiếp rúng động cả trăm bộ dân man. Đem so sánh thì Triệu Đà cũng không làm sao bì kịp!”.

Nhiếp thọ 90 tuổi, ở chức lớn 40 năm, Nhiếp giỏi điều hòa sức khoẻ, rèn luyện nhân tài. Đến khi Nhiếp mất, chôn cất ở nước ta. Đến cuối đời Tấn, trải qua hơn 160 năm, người Lâm Ấp vào cướp phá quan tài của Nhiếp, thấy toàn thân vẫn chưa hư hủy, tươi tắn như lúc còn sống. Chúng cả sợ nên cho chôn cất lại như xưa. Dân chúng nói rằng Nhiếp đã thành tiên, bèn lập miếu thờ cúng.

Đến giữa những năm Hàm Thông đời Đường, Cao Biền đem quân đánh dẹp Nam Chiếu, ngang qua miếu ấy, gặp một dị nhân, mặt mày tươi đẹp, áo mũ chỉnh tề, đứng chắn đường chào hỏi. Biền vui, vời vào trong trướng cùng đàm đạo chuyện đời Tam quốc, đưa đón khi vào ra, rồi đột nhiên thấy biến mất. Cao Biền bèn hỏi người trong thôn, mọi người nói rằng ở đất hướng Nam có mộ Sĩ Nhiếp. Biền than hồi lâu, rồi ngâm bài thơ sau: “Sau thời sơ Ngụy, Nay đến Hàm Thông, Mấy trăm năm lại, May gặp Nhiếp ông”.

Xa gần trong huyện, có ai cầu đảo đều thấy linh ứng. Đời Trần truy phong Nhiếp làm “Thiện huệ uy gia linh ứng đại vương”. Đến nay vẫn là một vị phúc thần. (Nay miếu ở tại xã Thanh Tương, huyện Siêu Loại và ở xã Tam Thê, huyện Gia Định. Hai miếu thờ này đều là Thượng Đẳng thần).

Chú thích

1) Việt Sử Lược chép rằng: “Bấy giờ, sự sang trọng và oai danh của Nhiếp rúng động cả nam man. Đem so sánh thì Triệu Đà cũng không làm sao bì kịp!”.

Sách xưa viết truyện này là “Truyện Sĩ Vương”. Nếu dân man không phải chịu khổ cực, ra sức phục vụ hết mình thì làm sao Nhiếp có được cuộc sống xa hoa, vương giả đến như thế. Có xứng đáng với địa vị là Vương chăng?. Điều này chúng ta phải xét lại. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng có nhận xét khác: “Xét ra, Sĩ Nhiếp chỉ là một quan Thái Thú nhà Hán, chưa hề xưng Vương. Sử cũ chép riêng làm một kỷ, đem so với lệ chép Cương mục (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục ) thì không hợp, nay bỏ đi”. Thế nên dịch giả trong bài này sẽ dùng tên Nhiếp thay vì Vương để dịch cho phù hợp hoàn cảnh và địa vị.

(Nguyễn Hữu Vinh dịch)

Bình:

Truyện này không biết ai viết, nhưng xem ra không được quân bình. Sĩ Nhiếp chỉ là quan thái thú của một vùng, mà gọi là vua (“Vương”. Tuy nhiên anh Nguyễn Hữu Vinh đã không dịch là “vua” hay “vương”, mà chỉ dịch là “Nhiếp”. Xem “chú thích” bên trên). Nước ta thì gọi là thuộc “nam man.” Ta lại phong thần cho Nhiếp là “Thiện huệ uy gia linh ứng đại vương”. Và ngày nay ở Văn Miếu Tiên Nho tại Đền Lũng, Bắc Ninh, dân ta vẫn thờ Sĩ Nhiếp là Nam Giao Học Tổ, ông tổ về giáo dục của đất Nam “dạy người Việt khiến cho biết được tiếng Hán, hiểu được đạo thánh hiền, đến nay thành một nước văn hiến.”

Cứ như dân ta đúng là man di, không biết đạo đức, trước khi người Hán chiếm.

Dĩ nhiên là người Hán xâm lược phải đồng hóa người Việt bằng Hán học và văn hóa bắc Phương, và xóa đi văn hóa của ta càng nhiều càng tốt. Gân đây, người Pháp cũng làm thế với văn hóa Tây phương. Không làm thế thì không thể trị nước bị xâm lăng.

Hội chứng Stockholm là một hiện tượng tâm lý khi người bị bắt cóc yêu mến người bắt cóc mình vì thấy người bắt cóc tỏ vẻ tử tế với mình. L‎ý do là sợ hãi. Nạn nhân hoàn toàn bị lệ thuộc vào quyền sinh sát của người bắt cóc, sợ hãi mọi điều, nên người bắt cóc chỉ tỏ ra một tí nhân ái, hay là không hành hạ quá đáng, là nạn nhân yêu người bắt cóc.

Chúng ta nên hỏi ta có bị hội chứng Stockholm ở đây, cũng như trường hợp xem Triệu Đà là vua nước Việt, chứ không phải là tướng nước xâm lăng.

Ta không nói đến ghét bỏ hay thù hận những việc đã qua. Nhưng lập miếu thờ người xâm lược nhất định là ảnh hưởng lớn đến việc phát triển tinh thần dân tộc của ta. Đây không phải là chuyện nhỏ.

(Trần Đình Hoành bình)

Tháng Bảy 1, 2010 - Posted by | Lĩnh Nam Chích Quái, Văn Hóa | ,

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này