TRẦN ĐÌNH HOÀNH

on Buddhism

Kinh Kim Cang



Kinh Kim Cang


Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng

Nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai


Tất cả Phật pháp có thể tóm vào một chữ “xả”[1]—xả bỏ mọi chấp trước.  Chấp trước[2] là bám víu, nắm giữ, vướng mắc.  Xả bỏ chấp trước là xả bỏ bám víu, nắm giữ, vướng mắc.  Đó là vô chấp.  Và đó cũng là Niết bàn,[3] là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-Giác.[4]


Phật pháp luôn luôn mang ba dấu ấn[5]— vô thường, vô ngã, Niết bàn.[6] Giáo lý nào thiếu một trong ba dấu ấn này thì không phải là Phật pháp.  Vô thường tức là không thường hằng, hay nói cách khác là không chấp vào ý niệm rằng mọi sự trong vũ trụ cứ như thế, không thay đổi.  Vô ngã tức là không có một “tôi” bất biến, vĩnh cửu, hay nói cách khác là không chấp vào ý niệm về một “tôi” bất biến vĩnh cửu.  “Tôi” chỉ là kết hợp tạm thời và luôn thay đổi của những thứ khác.  Một lúc nào đó kết hợp này sẽ rã ra và tôi không còn nữa.[7] Niết bàn là lửa đã tắt, là không còn chấp vào bất kỳ điều gì; Niết bàn là thanh tịnh trống rỗng.[8]


Kinh Kim Cang nhằm đoạn trừ tất cả chấp trước.  Tên đầy đủ của Kinh Kim Cang là Kim Cang Năng Đoạn Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
[9] Kim cang hay kim cương là kim loại cứng nhất, có thể cắt được tất cả các kim loại khác.  Năng đoạn tức là có khả năng đoạn trừ, đoạn trừ mọi chấp trước. Bát-nhã ba-la-mật-đa tức là trí tuệ đưa đến bờ bên kia, trí tuệ giải thoát.


Bát Nhã Tâm Kinh dạy rằng:  “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc.”
[10] Sắc là hình tướng, là biểu hiện bên ngoài, gọi là “tướng”, như là sóng; Không là bản thể, gọi là “tánh”, như là nước.  Sóng là biểu hiện (tướng) của nước, nước là bản thể (tánh) của sóng.  Tướng thì ở bên ngoài, chuyển động, phù du, tương đối.  Tánh thì tiềm ẩn, tĩnh lặng, thường hằng, tuyệt đối.[11] Nhưng tướng và tánh, như sóng và nước, không thể rời nhau.  Tướng là một mặt hiện của tánh, tánh là cội rễ của tướng.

Ta nhìn vũ trụ qua bề ngoài, qua tướng, cho nên ta thường “chấp tướng”, tức là vướng mắc vào cái nhìn bên ngoài để mà sống.  Nhưng nếu ta bỏ hẳn tướng đi, tức là “chấp phi tướng”[12] thì cũng không được, vì ta sẽ vướng mắc vào thái độ hoàn toàn thiếu thực tế là xem như chẳng có cuộc đời trước mắt.

Bát nhã là thấy cả Sắc lẫn Không, thấy cả tướng lẫn tánh, thấy tướng và tánh gắn bó làm một, nhưng vẫn phân biệt được đâu là tướng và đâu là tánh, và không chấp vào tướng nào.[13]

Vì vậy Kinh Kim Cang (1) chỉ ra cho chúng ta thấy tướng của mọi pháp để ta thấy tướng và sống với tướng, vì đời sống là sống với tướng (2) nhưng không chấp vào tướng, vì tướng chỉ là phù du, không thường hằng.  Nghĩa là ta vẫn sống với cuộc đời này giữa muôn hình tướng của nó, ta không chối bỏ cuộc đời; nhưng ta không cố chấp vào điều gì cả, vì cố chấp vào phù du thì đúng là rất si mê.

Đây là một cái nhìn “hai vế” rất tích cực, quân bình và thực tế về đời sống và Phật pháp.  Nếu không nắm vững hai vế này thì ta rất dễ rơi vào các cực đoan chấp có hoặc chấp không, chấp tướng hoặc chấp phi tướng, và ta sẽ không thể hiểu được Kim Cang Bát-nhã.

Kinh Kim Cang có tất cả 32 đoạn. Trừ đoạn đầu có tính cách giới thiệu, các đoạn sau là một chuỗi hành trình từng bước một, mỗi bước là một công việc song hành–vừa xác nhận một giáo pháp để thực hành, vừa đoạn trừ chấp trước vào giáo pháp đó.  Những giáo pháp Kinh Kim Cang nói đến là các pháp Bồ tát đạo, tức là các pháp của con đường Bồ tát.[14] Con đường này bắt đầu khi người thiện nam thiện nữ phát tâm bồ đề,[15] nguyện tự độ mình giải thoát để độ tất cả chúng sinh cùng giải thoát.[16] Tâm bồ đề này cũng là tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.[17]

Trên đường hành đạo, Bồ tát thực hành lục độ ba-la-mật, tức là sáu pháp tu—bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.[18] Bố thí, độ trì, chúng sinh được độ trì, công đức Bồ tát, hạnh nguyện Bồ tát, trang nghiêm cõi Phật, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, v.v… đều được nhắc đến trong Kinh Kim Cang, vừa để xác nhận giáo pháp vừa để đoạn trừ chấp trước.

Trong phần khảo sát sau đây, chúng ta sẽ dùng bản kinh Hán Việt và lời dịch tiếng Việt của hòa thượng Thích Thanh Từ.[19] Chúng ta sẽ đi qua từng đoạn kinh, và trong phần giảng giải, chúng ta sẽ chú tâm đến sợi chỉ xuyên suốt toàn kinh, tức là xác nhận giáo pháp và đoạn trừ chấp trước.

Đọc tiếp và download tại:  kinh-kim-cang_tdh1


[1] Upeksa (S.), to let go, to abandon, to relinquish.  (S.) là chỉ tiếng Sanskrist.

Tác giả thành thật cám ơn chị Diệu Tâm đã đọc bản thảo và sửa chửa.

[2] Lagati (S.), to attach, to cling, to grasp.

[3] Nirvana (S.)

[4] Anuttara Samyak Sambodhi (S.), A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

[5] Tam pháp ấn, trilaksana (S.), three dharma seals.

[6] Vô thường là anytia (S), impermanence; vô ngã là Anatma (S), non-self; Niết bàn là Nirvana.

[7] Thông thường người ta hay hiểu “ngã” là “tôi.”  Tuy nhiên, “ngã” nên được hiểu là “hiện hữu” vì không phải chỉ có tôi có ngã, mà tất cả mọi người, mọi chúng sinh, và mọi pháp đều xem như là có ngã, tức là có một hiện hữu (Đó là nói theo cách nói “chấp có”).  Do đó, “vô ngã” cũng có một ý nghĩa rất rộng rãi, đi xa hơn là tôi, đến mọi người, mọi chúng sinh, mọi pháp.  Nửa sau của Kinh Kim Cang (từ Đoạn 17) nói về khái niệm “ngã” và “vô ngã” rộng rãi và rốt ráo này.

[8] Tam pháp ấn thường được tóm tắt như sau:  Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh.

[9] Vajracchedika Paramita Sutra, the Diamond Sutra.

[10] Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc.  Xin xem Tiểu Luận Về Bát Nhã Tâm Kinh, việt dịch Diệu Tâm và Trần Đình Hoành, http://www.scribd.com/doc/7535744/Bat-Nha-Tam-Kinh-Trn-inh-Hoanh-Vit-ng.

[11] Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm (Mọi sự đều là không, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm).  Cái “chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm” đó chính là tuyệt đối, là bản thể, mà ta gọi là “Không.”  Xem Tiểu Luận về Bát Nhã Tâm Kinh, chú thích 10.

[12] Đôi khi người ta dùng chữ “chấp không” để chỉ “chấp phi tướng.”  Chữ “không” trong “chấp không” có nghĩa là “không có,” khác với “Không” là bản thể của sự vật.  Ở đây ta viết hoa chữ “Không” để hàm ý “bản thể.”

[13] Ta không nói “chấp tánh” vì nếu có “chấp tánh” thì cái mà ta gọi là tánh-để-mà-chấp đó thực ra là tướng, vì nếu đã ý niệm được tánh để mà chấp, thì tánh mà ta ý niệm đó đã thành tướng mất rồi.  Bất cứ ý niệm nào ta có trong tâm cũng đều là tướng, vì tướng chính là tưởng (samjna), là ý niệm.  Tánh, là tuyệt đối, thì không thể ý niệm được.  Cho nên, không thể có “chấp tánh.”  Chỉ có “chấp tướng” mà thôi.  (Trong Đoạn 3 của Kinh Kim Cang ta sẽ giải thích tướng chính là ý niệm).

[14] The Bodhisattva’s path.

[15] Tâm bồ đề là Bodhicitta.

[16] Tự độ và độ tha, to liberate oneself and liberate others.

[17] Anuttara Samyak Sambodhi (S.), A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, highest most-fulfilled awakened mind.

[18] Six virtues of perfection: giving, discipline, patience, devotion, meditation, wisdom.

[19] Xin xem http://www.thuong-chieu.org/uni/KinhSachThiKe/Kinh/KinhKimCang/TRANG_CHINH.htm.

Tháng Một 25, 2009 - Posted by | Buddhism | , ,

4 bình luận »

  1. […] Bố thí thế nào? Kinh Kim Cang, đoạn 4 viết: “Bồ tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc […]

    Pingback bởi NGƯỜI CHO MỚI NÊN CẢM ƠN | Cattuong's Home (nhà của Rafi) | Tháng Tư 27, 2012

  2. […] đây, chúng ta không cần phải đi sâu rốt ráo vào vô thường và chấp của những người tu đường Bồ tát, mà có thể dùng một khái niệm tương tự […]

    Pingback bởi SI – Trầm cảm không phải là bệnh. Trầm cảm là một cơ hội. | Tháng Tư 30, 2017

  3. […] Bố thí thế nào? Kinh Kim Cang, đoạn 4 viết: “Bồ tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc […]

    Pingback bởi Người cho nên cám ơn | Đọt Chuối Non | Tháng Mười Một 18, 2018

  4. […] Bố thí thế nào? Kinh Kim Cang, đoạn 4 viết: “Bồ tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố […]

    Pingback bởi Sương Lam mời đọc Có Người Cho và Có Kẻ Nhận | suonglamportland | Tháng Tám 31, 2022


Bình luận về bài viết này