TRẦN ĐÌNH HOÀNH

on Buddhism

Cư trần lạc đạo

Chào các bạn,

Trần Nhân Tông (1258-1308) là vua Đại Việt thứ ba của nhà Trần. Trước đó là Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông.

Sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, vua Trần Nhân Tông, dưới sự hướng dẫn của Tuệ Trung Thượng Sĩ, lên núi Yên Tử tu thiền, và tập hợp ba dòng thiền tại Việt Nam lúc đó là dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci), dòng Vô Ngôn Thông, và dòng Thảo Đường, thành Thiền phái Trúc Lâm, còn tồn tại cho đến ngày nay với Trúc Lâm Thiền Viện ở Đà Lạt do thiền sư Thích Thanh Từ chủ trì.

Hôm nay chúng ta sẽ nghiên cứu một bài thiền thi ngắn nhưng rất sâu sắc của vua Trần Nhân Tông, là bài Cư trần lạc đạo, vừa đăng gần đây trong slideshow Thiền Thi.

Cư trần lạc đạo

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu báo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

    Trần Nhân Tông
    (Trần Khâm 1258-1308)

Sống đời vui đạo

Sống đời vui đạo cứ tùy duyên
Đói thì ăn no mệt ngủ liền
Trong nhà có của, đừng tìm nữa
Nhìn cảnh vô tâm, hỏi chi thiền

    TĐH dịch

Sống đời vui đạo cứ tùy duyên. Sống đời vui đạo. Không phải là “trốn đời vui đạo” theo kiểu “Lan và Điệp” như mọi người thường lầm tưởng. Đời và đạo là sống và vui.

“Đời đạo là sống vui. Đạo đời là vui sống.”

Có “sống đời” thì mới “vui đạo” được. Vì đời là đạo và đạo là đời. Ngoài đời không có đạo, ngoài đạo không có đời. Như thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác nói trong Chứng Đạo Ca :

Vô minh thực tính tức phật tính
Huyễn hóa không thân tức pháp thân

Giải thích:

Bản tính thực của vô minh (si mê) chính là tính phật
“Thân không thực” huyền ảo này chính là thân (thực) của tất cả mọi thứ

Đây cũng chính là “sắc bất dị không, không bất dị sắc” (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc) của Bát Nhã Tâm Kinh.

• Muốn “sống đời vui đạo” thì phải “tùy duyên” Chữ “duyên” là chữ bao gồm toàn bộ tư tưởng Phật học.

“Duyên” là nhân quả. Những gì xảy ra bây giờ là kết quả của tất cả mọi nguyên nhân (mọi nhân duyên) trước đó—một tích tắc trước cũng như vô lượng kiếp trước—và là nguyên nhân của những gì sau đó—một tích tắc sau cũng như vô lượng kiếp sau.

(Chỉ cần hiểu hết được lý‎ lẽ của chữ duyên—thập nhị nhân duyên, mười hai bước nhân duyên của cuộc đời—là đã có thể giác ngộ thành Bích Chi Phật)

“Tùy duyên” là “theo duyên”. Nghĩa là chuyện gì xảy đến cũng có l‎ý do của nó, cứ thuận theo đó mà sống–không cần phải chống lại nó, không cần phải phàn nàn về nó, không cần phải lo âu về nó, không cần phải stress về nó, như là:

Đói thì ăn no, mệt ngủ liền.

Chẳng ai phàn nàn tại sao đói. Chẳng ai thắc mắc tại sao mệt. Chẳng ai đau khổ mỗi khi đói bụng hay buồn ngủ.

Vậy thì, bệnh thì tìm thuốc chữa, cần tiền thì đi làm kiếm tiền, cần thi đậu thì học, cần hết stress thì giải stress…

Việc gì phải làm thì làm, chẳng lý do gì phải stress, phải phàn nàn, phải trách móc, phải giận dữ, phải đau khổ, phải than thân trách phận, phải tiêu cực.

Trong nhà có của, đừng tìm nữa.

Cái gì là báu vật vậy? USD? Hột xoàn mười mấy cara?

Không. Báu vật đó là cái tất cả mọi người trong thiên hạ đi tìm: Hạnh phúc.

Hạnh phúc: Nhà Phật gọi là Niết Bàn—hoàn toàn tĩnh lặng, hoàn toàn an lạc, thành người tĩnh thức, thành Phật.

Nhưng Niết Bàn không nằm ngoài ta—Niết Bàn đã có sẵn trong tâm ta. Phật cũng không nằm ngoài ta, Phật đã nằm sẵn trong tâm. Mỗi người chúng ta là Phật đang thành, là Niết Bàn sắp hiện.

Đừng tìm Phật bên ngoài, đừng tìm Niết Bàn bên ngoài. Trong nhà có của, đừng tìm nữa.

Nhìn cảnh vô tâm, hỏi chi thiền.

Nhìn cảnh thì thấy cảnh, đừng “chú giải” thêm vào cảnh đó. Như là nhìn“mưa rơi trên mái hiên” thì thấy “mưa rơi trên mái hiên”, chứ đừng chú giải thêm là “mưa rơi trên mái hiên buồn tênh” hay “mưa rơi trên mái hiên như những bước nhảy nhót của người yêu.”

Phụ chú tình cảm chủ quan vào “cảnh” ta thấy, là có tâm ý.

Chỉ nhìn cảnh, thấy cảnh, nhưng không phụ chú, không tam quốc diễn nghĩa thêm vào, gọi là “không tâm ý”, tức là “vô tâm.”

“Nhìn cảnh vô tâm” tức là nhìn người chửi mình mà không nổi giận; nhìn bệnh tật đến với mình mà không sợ hãi; nhìn nguy hiểm trước mắt mà không kinh khiếp; nhìn đống vàng mà không hoa mắt; nhìn danh vị mà không ham hố; nhìn quyền lực mà không say mê; nhìn túi quần không một xu teng mà không mặc cảm; nhìn thân thể tật nguyền mà không tủi thân, nhìn thế lực địa vị trong tay mà không kiêu mạn…

Điều gì đến thì đến, điều gì phải làm thì làm. Đến thì đến, nhìn thì nhìn, làm thì làm, nhưng tâm luôn bình lặng, luôn thoải mái, luôn an lạc.

Đó là vô tâm.

Và đó là Hạnh phúc, là Niết Bàn, là Phật tính.

Đối cảnh vô tâm. Nhìn cuộc đời với con tim hoàn toàn tĩnh lặng.

Như thế thì không còn tham lan, sân hận, si mê, kiêu mạn, sợ hãi, làm cho tâm bị mù lòa nữa.

Lúc đó tự nhiên ta thấy được của báu đã có sẵn trong nhà—cái tâm tĩnh lặng của mình, Phật tính của mình, Niết Bàn của mình.

“Đối cảnh vô tâm” là Phật, là Niết Bàn, là an lạc, là Hạnh phúc.

Thế thì đâu cần phải hỏi chi đến thiền, hay tu, hay pháp?

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Tháng Mười Một 24, 2009 - Posted by | Buddhism, Inspiration, Thiền, Thiền thi | , , ,

6 bình luận »

  1. Hay quá…………
    A Hoành bao nhiêu tuổi rồi mà đã nhận thức sâu sắc như vậy? E khâm phục a lắm!
    E làm quen với a được ko?

    Bình luận bởi victoria tran | Tháng Mười Hai 27, 2011

  2. “Đối cảnh vô tâm” nhưng không đánh mất đi sự Từ Bi của người tu Phật, “vô tâm” nghĩa là thiền Tứ Niệm Xứ, để mọi thứ như nó là, không xen lẫn vọng niệm vào các pháp trần, chúng ta có 6 căn, mắt tai mũi lưỡi thân ý và 6 trần sắc thanh hương vị xúc pháp và 6 thức phân biệt, duyên với 6 trần đó. Nếu ai cũng đối cảnh “vô tâm” không để cảnh trần làm khởi lên vọng niệm thì có thể coi Niết bàn hiện tiền chút xíu, nhưng để đạt được đến cảnh giới “vô tâm mạc vấn thiền” đó, thì cũng nhờ pháp môn Thiền nguyên thuỷ Tứ niệm xứ mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy, cớ sao lại nói là “Thế thì đâu cần phải hỏi chi đến thiền, hay tu, hay pháp?”. Chúc các bạn một ngày vui./.

    Bình luận bởi NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT | Tháng Một 17, 2012

  3. Ở trên tác giả viết: ” nhìn thế lực địa vị trong tay mà không kiêu mạn…” nghĩa là tác giả tự biết mình không có tánh kiêu mạn hoặc biết tánh kiêu mạn không tốt cho những ai tu học Phật pháp, thế nhưng cuối bài lại kết luận 1 câu: “Thế thì đâu cần phải hỏi chi đến thiền, hay tu, hay pháp?” ==> cho thấy tánh kiêu mạn bất cần đời, tin vào chính mình (tự lực) mà không muốn nương tựa vào Tam bảo: Phật, Pháp và Tăng (tha lực) hoặc ở đây có sự hiểu lầm trong việc giải nghĩa bài Cư Trần Lạc Đạo chi đây?
    Người tu học Phật phải biết dựa vào 2 yếu tố chính, năng lực của mình và tha lực của Tam bảo, chứ riêng bản thân và ỷ vào sức của riêng mình không thôi thì chưa chắc gì con đường đang đi trước mắt được an bình và bằng phẳng mà toàn chông gai hầm hố.
    Tác giả lại nói tiếp: “Đối cảnh vô tâm. Nhìn cuộc đời với con tim hoàn toàn tĩnh lặng”, câu này cho thấy 1 trái tim băng giá khi nhìn cuộc đời hoàn toàn tĩnh lặng, đáng lí ra trái tim phải nồng nàn tình yêu thương đồng loại chúng sanh, cho những cảnh đời bất hạnh thiếu thốn hơn mình, cái đáng băng giá là cái đầu, cái suy nghĩ vọng niệm kia kìa thì lại không chịu “băng giá”, những suy nghĩ vọng niệm, tạp niệm liên tục khởi lên thì chúng ta biết buộc chặt chúng lại, không cho chạy nhảy tùm lum như Tôn Ngộ Không, chứ không phải ra lệnh cho trái tim băng giá như mùa đông được.
    Mình tìm sự An Lạc và Vô Tâm trong sự tĩnh lặng của thiền định được hay không khi xung quanh có biết bao nhiêu con người và sinh mạng đang chìm ngập trong biển khổ luân hồi và trong sự loạn động của thân và tâm hằng ngày? ví dụ như cha mẹ, anh em, con cái, gia đình mình, chúng ta có tìm được sự An lạc và Vô tâm đó được hay không?
    Vài lời chia sẻ cho các hành giả đang trên con đường giải thoát giác ngộ, thân ái./.

    Bình luận bởi NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT | Tháng Một 17, 2012

  4. Cảm ơn các bạn “Nam Mô A di đà Phật” đã ghé thăm và phản hồi. Mình tên là Trần Đình Hòanh, mọi nguơi gọi mình là “anh Hoành”.

    Phật pháp mênh mông, mỗi nguời mỗi trình độ, cho nên hiểu biết có thể khác nhau. Ngôn ngữ lại rất giới hạn. Mình xin miễn tranh luận nhé.

    Chúc các bạn một ngày thăng tiến.

    Bình luận bởi Trần Đình Hoành | Tháng Một 17, 2012

  5. Mình đã post trên blog của bạn khương cũng về đề tài này : chữ VÔ TÂM có thể hiểu theo nghĩa vô ý như “thằng hai nó vô tâm quá không hỏi thăm mấy người bạn của má nó, mà đi ngay”. Có người dùng chữ “tâm không” mà tâm không là sao? vì danh từ không đủ khả năng diễn tả được việc ngòai phạm vi của danh từ .Lý do là danh từ trong thiền tông là một việc làm chẳng đặng đừng, theo hòa thượng Duy Luật thì nghi tình không phải là nghi ngờ. “Tâm không” là một cái gì đó mà cái trí không biết được nên các vị NGỘ đạo cần có minh sư ấn chứng mới biết được vì khi rớt vào đó (sụp hầm) hành giả cũng chẳng biết mình đã “sụp hầm”

    Bình luận bởi Minh | Tháng Năm 4, 2013

  6. “Tâm không” không phải là tâm vô tri vô giác, không phải là tâm chai lì mà một số lớn phật tử hiểu lầm còn làm cho người không phải là phật giáo hiểu theo nghĩa đối đãi với “cái có” và khoa học hiện đại cũng quan niệm không tồn tại cái không theo nghĩa hư vô (nihilistic). cái không mà nói đến trong bài phú là cái dung nạp tất cả. Xin tạm thí dụ cái chen KHÔNG thì nó chứa mọi thứ cần chứa: cơm, cát, đất….nếu cái chén CÓ chè thì không chứa được gí nữa.Tâm băng giá là tâm CÓ băng thì đâu còn thương được .Khi tâm mình là không thì khi bên cạnh mình CÓ bất hạnh, mình BIẾT ngay nhưng liền ngay sau đó tâm mình lại CÓ CÁI GÌ ĐÓ ( không còn không) nên mình không hành động được với BIẾT ( là dụng của “tâm không”) đó

    Bình luận bởi Minh | Tháng Năm 4, 2013


Bình luận về bài viết này